Thần thoại học Thần_thoại

Trong khoa học nghiên cứu, thu thập và giải nghĩa thần thoại, thần thoại học, các nhà khoa học đã từng gặp những khó khăn nhất định khi không xác lập được giới hạn của các hệ thần thoại. Thường các giới hạn ấy được người ta gắn với việc trong tác phẩm có nói đến các sinh thể siêu nhiên (thần thánh, anh hùng, ma quỷ v.v.). Theo cách hiểu này, chỉ cần vạch ra trong tác phẩm có những tên tuổi và hình tượng của thần thoại (như thần thánh và các anh hùng trong các tác phẩm văn học cổ Huy Lạp, văn học trung-cận đại châu Âu). Bên cạnh đó, có thể sử dụng tiêu chuẩn về cấu trúc, do hầu hết phạm vi của thần thoại có chất liệu từ đời sống con người nhưng được lựa chọn và gán cho những ngữ nghĩa riêng biệt chỉ có trong văn cảnh thần thoại (như các bộ phận của con người: đầu, mắt, bộ phận sinh dục v..v; các động vật: sư tử, rắn, đại bàng; các loài cây: sồi, đa, cau, gạo; các hình dạng ký hiệu: con số, vòng tròn, chữ thập, vành khuyên v.v.).

Trong những nỗ lực tìm về bản chất của thần thoại, học giả Đức E. Cassirer phân tích thần thoại như là "hình thức tượng trưng"[1] và cho rằng ở những giai đoạn phát triển nhất định của nhân loại, thần thoại là hệ thống phổ quát duy nhất mà bằng các thuật ngữ của nó người ta tri giác thế giới[1]. Tiếp nối tinh thần này, những nhà nghiên cứu người Nga tập trung tìm hiểu chỉnh thể thế giới quan của thần thoại. Bên cạnh đó là xu hướng đặt thần thoại vào văn cảnh ứng xử của các nhóm người, khảo sát thần thoại như một hệ thống được mô hình hóa trong đầu óc các cá thể đã hợp thành nhóm.